Nhện đỏ gây hại cây khoai mì và biện pháp phòng trừ

Thứ sáu - 10/03/2017 16:00 621 0
Thời tiết khô hạn, nắng nóng là điều kiện thuận lợi để côn trùng chích hút và nhện đỏ phát sinh gây hại cho các loại cây trồng. Trong đó, nhện đỏ trên cây mì là đối tượng có xu hướng phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là những chân ruộng triền gò không chủ động được nước tưới, hay ruộng tưới thấm từ rãnh cũng khó quản lý được đối tượng này.

           Vụ Đông xuân 2016 – 2017 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trồng được 26.728 ha, trong đó tập trung tại các huyện Tân Châu (9.395 ha), Tân Biên (7.114 ha), Châu Thành (5.279 ha), Dương Minh Châu (2.110 ha), Thành phố Tây Ninh (1.200 ha).

          Thời tiết khô hạn, nắng nóng là điều kiện thuận lợi để nhóm côn trùng chích hút (nhện đỏ, rệp sáp bột hồng, rệp sáp thường, bọ trĩ, bọ phấn) phát sinh gây hại. Trong 02 năm qua (2015, 2016), nhện đỏ là đối tượng có xu hướng phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là những chân ruộng triền gò không chủ động được nước tưới, hay ruộng tưới thấm từ rãnh cũng khó quản lý được đối tượng này. Hiện nay, thời tiết thuận lợi để nhện đỏ xuất hiện gây hại phổ biến cho các vùng trồng khoai mì. 

             1. Về  đặc điểm sinh học

            Nhện trưởng thành có kích thước rất nhỏ, hình bầu dục, dài khoảng 0,5 mm, có màu đỏ hồng, 8 chân và di chuyển rất nhanh. Trứng rất nhỏ, hình bán cầu, màu đỏ sẫm. Nhện non giống nhện trưởng thành, màu hồng, có 6 chân.

           Theo tài liệu chuyên môn: Nhện trưởng thành nhả tơ, giăng tơ thành một lớp sợi rất mỏng ở mặt dưới lá, đẻ trứng từng quả gắn vào lớp tơ. Một con cái có thể đẻ 200 trứng. Nhện non và trưởng thành sống tập trung ở mặt dưới lá, chích hút nhựa tạo thành màu nâu dọc theo 2 bên gân lá. Thời gian từ trứng - trưởng thành thay đổi phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, nhiệt độ càng cao thì thời gian phát triển ngắn lại. Trong điều kiện nhiệt độ 25 – 28oC, Thời gian từ trứng - trưởng thành từ 7 – 14 ngày và thời gian sống của trưởng thành kéo dài đến 22 ngày. Có nhiều thế hệ trong năm. Nhện phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện khô, nắng nóng.

             2. Triệu chứng gây hại

             Nhện thường bắt đầu phát sinh gây hại ở mặt dưới của những lá già, gần sát gốc, sau chuyển dần lên các lá phía ngọn. Khi nhện tích lũy mật số cao sẽ xuất hiện gây hại cả hai bề mặt của lá, chích hút nhựa nhiều, tạo những vệt chạy dọc theo gân lá, lúc đầu có màu vàng sau chuyển nâu, khô và rụng đi, cây sinh trưởng phát triển kém.


Triệu chứng gây hại ban đầu của nhện đỏ



Ruộng khai mì bị nhện đỏ gây hại

             3. Biện pháp phòng trừ

            - Chăm sóc, tưới nước đầy đủ giúp cây sinh trưởng tốt. Vào mùa khô cần tưới nước thường xuyên bằng hệ thống tưới phun bằng béc cố định hoặc bằng dây phun để khống chế sự phát sinh và phá hại của nhện.

             - Bảo vệ thiên địch của nhện đỏ trên đồng ruộng: bọ rùa, …

          - Khi nhện phát sinh gây hại với mật số cao, có thể dùng một trong các loại thuốc hóa học như: Dầu khoáng, Hexythiazox (Nissorun 5EC,...), Acrinathrin (Rufast 3 EC), Propargite (Comite 73EC, Saromite 57 EC, Superrex 73 EC,..), Pyridaben (Alfamite 15EC,…), Amitraz (Mitac 20EC), Fenpyroximate (Ortus 5SC), Diafenthiuron (Pegasus 55SC, Redmine 500SC,…), Fenbutatin oxide (Nilmite 550SC), Abamectin + Emamectin (Acprodi 65 EC,..),... Tuy nhiên, khi sử dụng thường xuyên thuốc hóa học sẽ làm cho nhện đỏ phát sinh nhiều hơn do hầu hết các thuốc hóa học không trừ được trứng nhện, thuốc hóa học diệt cả thiên địch trên đồng ruộng, nhện tiếp tục nở ra và tái nhiễm trở lại liên tục.



Ruộng khoai mì tưới nước bằng hệ thống tưới phun sẽ khống chế sự gây hại của nhện đỏ


CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT




  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây