Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa và biện pháp phòng trừ

Thứ năm - 20/10/2016 00:00 145 0

Sâu cuốn lá nhỏ có tên khoa học Cnaphalocrocis medinalisDSCN3389

1. Triệu chứng, tác hại:M

Sâu non của sâu cuốn lá gặm mô diệp lục chừa lại lớp biểu bì lá tạo thành những  vệt trong và trắng theo chiều dọc của phiến lá. Sâu nhả tơ cuốn 2 mép lá lại  thành hình ống, sinh sống, gây hại và hóa nhộng bên trong. Ruộng lúa bị hại nặng, mỗi cây có nhiều lá bị cuốn trắng xơ xác và héo khô. Khi lúa ở giai đoạn làm đòng – trổ, sâu thường xuất hiện trên lá đòng; khi lá bị hại nặng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ.

2. Đặc điểm sinh học:DSCN3393

- Bướm của sâu cuốn lá có màu nâu vàng, cánh có nhiều vằn ngang màu đen. Khi  đậu xếp  lại thành  hình tam giác. Mỗi con cái có thể đẻ khoảng 300 trứng. 

- Sâu non có màu xanh lá mạ, trong suốt, đầu đen. Khi chạm đến co lại rơi xuống đất. Thường chỉ có một con sâu trong một ống lá, chúng ăn nhu mô lá. Một con sâu có thể phá 3 – 4 lá. Sâu non có 5 tuổi, giai đoạn cuối, sâu chuyển màu hơi hồng, nằm tại chỗ hóa nhộng hoặc chui ra ngoài.

- Trứng hình bầu dục, dài 0,5 mm, khi mới đẻ có màu trong suốt và lúc sắp nở có màu kem. Trứng được đẻ thành từng lứa từ 10 – 12 trứng, rải rác ở mặt trên hoặc mặt dưới của lá.

- Nhộng có màu vàng, khi sắp vũ hóa có màu nâu. Sâu non làm nhộng trong những kén tơ ở trên phiến lá và trong ống lá lúa.

Vòng đời của sâu cuốn lá nhỏ từ 26 – 45 ngày, trong đó:

  • Trứng:    4 – 7 ngày.
  • Sâu non: 14 – 25 ngày.
  • Nhộng:    6 – 7 ngày.
  • Trưởng thành: 2 – 6 ngày.

Trong một vụ lúa thường có hai đợt sâu: khi lúa đẻ nhánh và ở giai đoạn làm đòng – trổ. 

3.  Điều kiện để sâu cuốn lá nhỏ phát triển mạnh:

- Mật độ gieo sạ quá dày.

- Bón phân không cân đối, bón quá nhiều phân đạm.

- Trong ruộng lúa và quanh bờ có nhiều cỏ họ hòa bản là ký chủ phụ của sâu cuốn lá nhỏ.

-Phun xịt thuốc trừ sâu sớm trước 40 ngày sau sạ làm chết các thiên địch đồng ruộng.

4. Biện pháp phòng trừ:

a.   Biện pháp phòng:

- Không sử dụng thuốc sâu trước 40 ngày sau sạ nhằm duy trì mật độ thiên địch trên đồng ruộng như:

+ Nhóm bắt mồi ăn thịt: Nhện (nhện linh miêu, nhện Lycosa, nhện lưới, nhện chân dài), bọ rùa, bọ xít gọng vó, kiến 3 khoang, chuồn chuồn kim, đuôi kìm, ….

+ Nhóm gây bệnh: Nấm, vi khuẩn, virus.

+ Nhóm ký sinh trứng và sâu non: một số loài ong.

- Trồng cây khỏe, bón phân cân đối và hợp lý, bón đạm theo nhu cầu của cây.

+ Gieo sạ với mật độ vừa phải. Sạ lan với lượng giống từ 120kg/ha; sạ hàng từ 80 – 100kg/ha.

b.   Biện pháp trị:

Khi mật số sâu cuốn lá cao, có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây để phun xịt như: Virtako 40EC, Silsau 3.6 EC, Padan 95SP, Regent 800WG, Chief 260EC, Dupont Prevathon 5SC, Vitashield gold 600EC, Angun 5WG, Fiphos 555EC, Ematin 6.0EC,…

*   Lưu ý: Phun thuốc lúc sâu tuổi nhỏ và vào lúc chiều mát; sử dụng liều lượng thuốc theo đúng khuyến cáo trên nhãn và tuân theo nguyên tắc 4 đúng.


                                                                              Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây