Rầy nâu hại lúa và biện pháp phòng trừ

Thứ năm - 20/10/2016 00:00 5.391 0

Rầy nâu trên lúa có tên khoa học là Nilaparvata lugens. Nhiều nơi nông dân còn  gọi là rầy cám.

1. Triệu chứng, tác hại:

Rầy nâu chích hút nhựa ở bẹ lá lúa làm lá bị héo vàng, cây lúa sinh trưởng kém, nếu mật độ rầy cao có thể làm cây lúa bị khô cháy và chết. Ngoài ra, vết thương do rầy chích hút sẽ mở đường cho nhiều loại nấm bệnh tấn công và rầy nâu là môi giới truyền một số bệnh virus như: vàng lùn, lùn xoắn lá.

2. Đặc tính sinh học

            -  Rầy nâu có kích thước nhỏ, trưởng thành khoảng bằng hạt gạo, thường trú ẩn ở phần gốc của cây lúa gần sát mặt nước để chích hút nhựa. Khi bị khua động thì lẫn trốn bằng cách bò ngang hoặc nhảy sang cây khác. Rầy trưởng thành có xu hướng ánh sáng mạnh. Do đó đêm tối trời, lặng gió, trời nóng bức thì rầy hoạt động mạnh bay vào đèn nhiều (từ 6 giờ đến 9 giờ đêm).

            -  Rầy trưởng thành: có màu nâu hay nâu xám, dài 3,4 – 4,5mm, gồm 2 dạng cánh dài và cánh ngắn.

            +  Rầy cánh ngắn: không bay được, có nhiều vào giai đoạn lúa đẻ nhánh và làm đòng; sinh sản mạnh, gây nên mật số rầy non cao, dễ gây cháy rầy.

            +   Rầy cánh dài: có thể di chuyển rất xa nhờ gió, xuất hiện nhiều ở giai đoạn lúa trổ đến chín để bay sang ruộng khác tìm thức ăn và nơi trú ẩn.

            Rầy trưởng thành đẻ trứng thành từng ổ ở trong bẹ lá và gân lá. Mỗi con cái có thể đẻ từ 70 – 300 trứng, mỗi ổ từ 8 – 16 trứng.

            - Trứng: hình bầu dục dài, hơi cong, trứng mới đẻ có màu trắng sữa, sắp nở có màu vàng xám và một chấm đỏ ở phần đầu.

            -  Ấu trùng: mới nở có màu trắng, sau chuyển sang hồng nhạt, nâu hồng. Ấu trùng có 5 tuổi với 4 lần lột xác.

            -  Rầy hiện diện quanh năm, trung bình một tháng có một lứa rầy.

*  Vòng đời của rầy nâu: 22 – 25 ngày, trong đó:

           

3. Sự phát sinh của rầy nâu:

Rầy nâu phát sinh mạnh liên quan đến nhiều yếu tố như:

-  Thời tiết nóng ẩm.

-  Sạ dày, bón thừa đạm.

-  Gieo trồng giống nhiễm.

-  Phun thuốc trừ sâu nhiều, nhất là ở giai đoạn 40 ngày sau sạ sẽ tiêu diệt hết lượng thiên địch trên ruộng làm cho rầy bùng phát gây hại nặng.

4. Biện pháp phòng trừ:

-  Gieo sạ vào những thời điểm có thể né rầy.

-  Biện pháp giống: Chọn giống lúa có tính kháng hay chống chịu rầy.

-  Biện pháp canh tác:

+  Vệ sinh đồng ruộng thật tốt, cày ải, xới phơi đất, trục kỹ trước khi gieo sạ.

+  Gieo sạ với mật độ vừa phải. Sạ lan với lượng giống từ 120kg/ha; sạ hàng từ 80 – 100kg/ha.

+  Bón phân đầy đủ, cân đối giữa N-P-K giúp cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng đối với rầy. Không bón thừa phân đạm, bón phân đạm theo nhu cầu của cây lúa bằng bảng so màu lá lúa.

- Biện pháp sinh học: Hạn chế phun thuốc trừ sâu sớm trước 40 ngày đầu sau sạ vì trong môi trường sinh thái ruộng lúa có rất nhiều sinh vật có khả năng ký sinh hoặc ăn thịt rầy như:

+  Nhóm bắt mồi ăn thịt: Nhện (nhện linh miêu, nhện Lycosa, nhện lưới, nhện chân dài), bọ rùa, bọ xít nước, bọ xít mù xanh, kiến 3 khoang, chuồn chuồn kim, đuôi kìm, ….

+  Nhóm gây bệnh: Nấm, vi khuẩn, virus.

+  Nhóm ký sinh trứng và rầy: một số loài ong.

 -  Biện pháp hóa học: Khi mật số rầy cao, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất có thể dùng một trong các loại thuốc đặc trị rầy sau đây để phun xịt.

Hoạt chất: Buprofezin (Applaud 10WP, Aperlaur 100WP, Map-Judo 25WP,...), Pymetrozine (Chess 50WG), Fenobucarb (Bassa 50EC, Bassan 50EC, Hoppecin 50ND, Excel Basa 50ND,…), Imidacloprid (Admire 50EC, Armada 50EC, ..) Benfuracarb (Oncol), Dinotefuran (Oshin 20WP), Clothianidin (Dantotsu 16WSG), Buprofezin + Isoprocard (Applaud – Mipc 25BHN),….

Lưu ý : Khi sử dụng thuốc hóa học cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng. Nếu ruộng chủ động được nước nên đưa nước vào ruộng trước phun xịt để đưa rầy lên phía trên cây lúa nhằm dễ tiếp xúc với thuốc, tăng hiệu quả phòng trừ.



                                                                                       Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổng hợp          

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây