TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI DÊ TRÊN ĐỊA BÀN XÃ SUỐI DÂY HUYỆN TÂN CHÂU

Thứ ba - 11/10/2022 08:42 518 0

Suối Dây là một xã thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên trên 11.000 ha. Tính đến cuối năm 2021,  xã có trên 3.000 hộ dân sinh sống với gần 13.000 nhân khẩu, 75% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Xã có 14 dân tộc thiểu số sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Chăm.

 

 

Trong những năm qua, giá các mặt hàng nông sản ở địa bàn xã luôn ở mức thấp, thu nhập của người nông dân không đảm bảo. Vì vậy, nhiều hội viên nông dân xã Suối Dây đã chuyển qua chăn nuôi dê nhằm tận dụng nguồn thức ăn cho dê có sẵn trong nương rẫy, thức ăn xanh sẵn có trên địa bàn để tăng thu nhập, ổn định đời sống. Ban đầu chỉ có một vài hộ nuôi, đến nay toàn xã có khoảng 100 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn gần 2.000 con, dê cái chiếm 1.043 con, 82 dê đực giống và hơn 800 dê thịt.

Tập tính loài dê rất dễ ăn, thức ăn là tất cả các loại cỏ xanh, lá cây, rơm rạ có nhiều ở địa phương, hiện nay chủ yếu người chăn nuôi cho ăn lá khoai mì phơi khô, có hộ ủ chua để tăng chất dinh dưỡng. Chuồng trại làm bằng cây gỗ đơn giản, yêu cầu có sàn khô, sạch, mái che mưa, chắn gió lùa. Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc tính của từng loài dê thì việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình nuôi rất quan trọng. Từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê, tất cả đều phải có kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tẩy giun sán định kỳ và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.

 

Nuôi dê ít tốn vốn đầu tư ban đầu, khả năng quay vòng nhanh, tận dụng thời gian lao động nông nhàn và nguồn thức ăn xanh sẵn có tại địa phương, đặc biệt là giá bán khá cao so với các vật nuôi khác. Bên cạnh đó,người chăn nuôi có thể tận dụng nguồn phân dê, cỏ thừa của dê để bón cho cây cao su để tăng thêm lợi nhuận. Với cách làm hiệu quả nêu trên, bình quân một hộ nuôi 25 con dê thịt/lứa, cân nặng 35-40kg/con là có thể xuất chuồng, mỗi năm sẽ xuất bán 50 con với giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán dê thịt. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn phân dê, cỏ thừa của dê để bón cho cây trồng cũng giúp người chăn nuôi tiết kiệm trên 10 triệu đồng tiền phân bón.

Thực tế cho thấy, nuôi dê ở xã Suối Dây đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện được cuộc sống của nhiều hộ gia đình nghèo. Để tăng số lượng đàn dê, thời gian tới, Trạm Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan, đoàn thể và chính quyền địa phương tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi dê và tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho các hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển chăn nuôi.

Để đàn dê luôn khoẻ mạnh và phát triển tốt người chăn nuôi cần chú ý kiểm tra  hàng ngày để nhận biết tình trạng sức khoẻ đàn dê, chích ngừa vắc xin đầy đủ theo quy định, bổ sung thêm thức ăn tinh củ quả, đá liếm; không cho dê ăn thức ăn mốc, ôi thiu và cần đảm bảo lượng thức ăn đầy đủ nhất là vào mùa khô. Đặc biệt là phải thường xuyên thay đổi dê đực giống để tránh cận huyết.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Suối Dây nói riêng và huyện Tân Châu nói chung thời gian qua có nhiều triển vọng. Để hỗ trợ bà con nông dân, Agribank Chi nhánh huyện Tân Châu đã cung cấp nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, phục vụ mục đích tiêu dùng cho bà con, góp phần giúp bà con có vốn sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.

                                                          Trạm Chăn nuôi và Thú y Tân Châu

Tác giả: Chan nuoi thu y

Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây