Kỹ thuật sản xuất Rau an toàn

Thứ hai - 14/10/2013 16:15 346 0

 

Rau xanh và quả tươi chứa nhiều chất dinh dưỡng Vitamin, khoáng chất rất cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của con người đặc biệt là rau xanh.

Hoạt động sống, sản xuất con người đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, nhất là sử dụng hóa chất thái quá làm cho việc sản xuất rau xanh an toàn trở nên cấp thiết.

* RAU AN TOÀN LÀ GÌ

Rau an toàn là các sản phẩm rau quả tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn lá, thân, củ hoa, quả) có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó có hàm lượng các hoá chất độc hại và mức độ nhiễm các vi sinh vật gây hại dưới mức tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.

* KỸ THUẬT CANH TÁC

Chọn đất và làm đất:

- Chọn đất trồng có thành phần cơ giới phù hợp, đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất phù sa ven sông có độ pH đất từ 5,5 - 6,8 đất không bị ô nhiễm kim loại nặng: (Pb, Hg, As…) và vi sinh vật gây bệnh. Chân đất cao, thoát nước và cách ly với khu vực chất thải công nghiệp, bệnh viện và các hệ thống nước thải sinh hoạt.

- Làm đất trồng rau kỹ, có điều kiện phơi ải, làm giảm quần thể sâu hại (sâu xám, bọ nhảy,…)và nấm bệnh tồn tại trong đất (thối hạch, vàng lá, chết cây con…). Lên luống cao có hệ thống thoát nước tốt.

Gieo ươm cây con:

Để có cây con tốt, trước khi gieo nên xử lý hạt để phòng trừ sâu bệnh. Chú ý phòng trừ bệnh chết héo cây con, do nấm đất gây ra (Pythium, Phytophthora, Rhizoctonia,…). Nấm bệnh gây vết thối ở cổ rễ, ngay phần gốc thân ngang mặt đất. Bệnh nặng làm cây con chết từng đám. Bệnh phát sinh khi độ ẩm không khí cao, bị che rợp thiếu ánh sáng. Vùng gieo giống nên ở xa vùng sản xuất đại trà để sâu bệnh hại không lây nhiễm sang vườn ươm.

Thời vụ trồng:

Có thể gieo trồng quanh năm. Tốt nhất là nên đảm bảo đúng thời vụ thích hợp cho từng loại rau.

Tùy theo loại giống mà bố trí mật độ trồng cho phù hợp, chỉ sử dụng giống khỏe, sạch sâu bệnh. Chú ý bảo vệ bộ rễ cây con khi nhổ ở vườn ươm. Trước khi trồng nên nhúng cây con vào dung dịch thuốc Rovral, Benlate-C hoặc Oxolinic acid + Metalaxyl + Fipronil phòng các loại sâu bệnh hại trong đất.

Chăm sóc:

- Phân bón và bón phân: Bón phân vừa đủ và cân đối, chú trọng phân chuồng và phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ khoáng, phân lân vi sinh. Không bón quá mức đạm vô cơ và dừng bón trước khi thu hoạch  12-15 ngày.

- Tưới nước: Dùng nước sạch từ các sông lớn, giếng khoan, nguồn nước thải đã qua xử lý. Không được dùng nước bị ô nhiễm tưới cho rau. Luôn đảm bảo ruộng rau đủ ẩm nhưng không đọng nước. Nếu ruộng có bệnh, không tưới lên lá cây.

- Xới xáo: Kết hợp với làm cỏ, bón thúc, tỉa cành, bắt sâu, ngắt bỏ lá bệnh, đảm bảo ruộng rau thông thoáng, sạch sâu bệnh, tạo điều kiện cho rau phát triển tốt.

Phòng trừ sâu bệnh:

Áp dụng hệ thống các biện pháp tổng hợp. Các biện pháp có thể áp dụng:

- Sử dụng giống chống chịu:

      Là biện pháp quan trọng đối với các loại sâu bệnh khó phòng trừ. Ví dụ: Sử dụng giống cải bắp NN Cross, phẩm chất ngon, năng suất cao và tỷ lệ bệnh thối nhũn thấp, giống cải ngọt số 4, ĐV-101 thích hợp trong vụ mùa mà ít bị bệnh thối nhũn, sương mai, thán thư.

-  Xen canh:

Có thể trồng xen 2-3 luống rau Thập tự với luống Thì là hoặc Cà chua (trồng trước rau Thập tự), sẽ hạn chế được 30-50 % mật độ sâu tơ trên ruộng.

- Luân canh:

Luân canh với Lúa nước có tác dụng hạn chế bệnh hại, nhất là bệnh hại tồn dư trong đất.

- Bẫy cây trồng:

Trồng xen cây khác không thu hoạch trên diện nhỏ để hấp dẫn sâu hại và phun trừ chúng. Vd: Trồng cây bẫy cải dại, cải mù tạt hấp dẫn sâu tơ hơn nhiều cải bắp và làm giảm thiệt hại của sâu tơ trên cây rau này.

Thường xuyên giám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh tổ chức phòng trừ.

- Biện pháp thủ công:

+ Bắt sâu non, ngắt ổ trứng, ngắt những lá già, lá bị bệnh trên ruộng, tạo ruộng thông thoáng.

+ Sử dụng bẫy dính màu vàng để hạn chế trưởng thành của sâu tõ, bọ nhảy, rệp, sâu xanh bướm trắng…

- Biện pháp hoá học:

+ Phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: (Đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).

+ Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi sâu bệnh hại đạt đến ngưỡng phòng trừ.

+ Luân chuyển các loại thuốc có cơ chế tác động khác nhau. Ví dụ:

Trừ sâu tơ (Spinosad – Abamectin)/ Fipronil/BT/Diafenthiuron/Idoxacarb/(Lufenuron/ Chlorfluazuron).

Trừ bọ nhảy: Fipronil, Thiamethoxam, Profenofos, Cartap, Flufenoxuron.

+ Sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng đối với từng loại sâu bệnh trên mỗi cây rau họ thập tự, đảm bảo phun ướt đều trên 2 mặt lá rau.

*Lưu ý: Sử dụng loại thuốc sử dụng cho sản xuất rau an toàn và tuân thủ thời gian cách ly.

- Biện pháp sinh học:

+ Bảo vệ thiên địch của sâu hại rau, điển hình như ong ký sinh sâu tư, dòi ăn rệp, bọ cánh cứng cánh ngắn ăn sâu tơ, bọ rùa đỏ ăn rệp và sâu tơ.

+ Nhân nuôi và thả những loại ký sinh có ý nghĩa điều hoà số lượng sâu hại nguy hiểm như ong ký sinh (Diadegma semiclausum) trên sâu tơ.

+ Sử dụng bẫy (Pheromone giới tính) để thu hút côn trùng trưởng thành vào bẫy rồi tiêu diệt hoặc để lan toả trên đồng ruộng làm cho con cái bị nhiễu loạn Pheromone cũng như sự giao phối của chúng.

+ Sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc phòng trừ sâu bệnh hại nhất là giai đoạn đầu vụ và khi gần thu hoạch nhằm ít ảnh hưởng đến thiên địch và không để dư lượng chất độc trên sản phẩm. Một số loại thuốc sinh học thông dụng như: Bt, V-Bt phòng trừ sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, thuốc thảo mộc Azadirachtin (từ cây Neem), Rotenone (từ cây Drris sp.) dùng phòng trừ, xua đuổi và gây ngán nhiều sâu hại khác.

Thu hoạch:

- Thu hoạch rau đúng thời kỳ, loại bỏ lá già, bộ phận héo úa, bộ phận bị nhiễm bệnh và dị dạng.

- Rửa sạch để ráo nước, đóng gói, bảo quản theo quy định hoặc mang đi tiêu thụ…

Trạm khuyến nông Hòa Thành 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây