Bệnh cháy bìa lá (bạc hà) hại lúa và biện pháp phòng trừ

Thứ ba - 27/06/2017 21:00 892 0
Tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, mùa mưa đến sớm và gia tăng cả về lượng, trong cơn mưa có dông và gió nhiều,… là điều thuận lợi để bệnh cháy bìa lá phát sinh, lây lan làm tăng nhanh diện tích nhiễm cũng như mức độ hại.. Nhằm giúp người sản xuất nhận diện triệu chứng của bệnh cháy bìa lá và áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thông tin bệnh cháy bìa lá (bạc lá) và biện pháp phòng trừ trên các phương tiện thông tin.

      Theo Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh dự kiến vụ lúa Hè thu 2017 xuống giống khoảng 44.400 ha và vụ Mùa 2017 gieo sạ khoảng 50.600 ha.

        Tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, mùa mưa đến sớm và gia tăng cả về lượng, trong cơn mưa có dông và gió nhiều,… là điều thuận lợi để bệnh cháy bìa lá phát sinh, lây lan làm tăng nhanh diện tích nhiễm và mức độ hại. Trong đó, vụ lúa Hè thu và vụ Mùa có điều kiện thời tiết rất thuận lợi để bệnh phát sinh và gây hại cho sản xuất. Nhằm giúp người sản xuất nhận diện triệu chứng của bệnh cháy bìa lá, thường xuyên thăm đồng để phát hiện và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, giảm thiểu tác hại do bệnh gây ra; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin về bệnh cháy bìa lá (bạc lá) và biện pháp phòng trừ như sau:


Vết bệnh cháy bìa lá

      1. Triệu chứng, tác hại

      Có 03 dạng triệu chứng của bệnh:

      - Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh: Vết bệnh ban đầu là sọc thấm nước xuất hiện trên bìa lá. Sau đó lan rộng thành một vết cháy ở mép và đỉnh lá, màu vàng xám nhạt. Có ranh giới là một đường nâu sẫm hình gợn sóng giữa vết cháy và phần xanh còn lại của lá. Vết bệnh phát triển mạnh làm cả phiến lá bị khô bạc trắng. Bệnh phát triển chậm ở giai đoạn trước khi lúa trổ, nhưng phát triển rất nhanh ở giai đoạn sau khi lúa trổ cho đến gần thu hoạch. Trong điều kiện ẩm ướt do mưa đêm hoặc sáng sớm khi còn ướt sương, vết bệnh có dạnh thấm nước và có màu xanh lợt; bên dưới mặt lá lúa tại nơi vết bệnh sinh những giọt màu vàng ướt hoặc khô lại thành hạt nhỏ như trứng cá. Đây là những giọt dịch vi khuẩn tiết ra từ vết bệnh. Trong trường hợp giống lúa mẫn cảm với bệnh (giống nhiễm), vết bệnh lan xuống phía dưới làm phiến lá cuốn dọc lại hoặc xuống cả bẹ lá làm toàn bộ lá bị héo. Đối với giống chống chịu bệnh hơn, vết bệnh cháy vệt dài ven mép lá không lan rộng vào trong phiến lá. Bệnh phát triển mạnh làm toàn bộ lá, kể cả lá đòng bị khô rạc nhanh chóng  trước khi lúa chín, hạt lép lững và làm đen vỏ trấu


Triêu chứng bệnh cháy bìa lá

       - Triệu chứng " Kresek" còn gọi là triệu chứng héo lụi cây non, thường xuất hiện trên các dảnh lúa non mới đẻ sau khi cấy, làm các lá có màu xanh xám nhạt và cuộn dọc lại theo gân chính, sau đó cả lá bị héo, nhánh lúa bị thối nhũn và chết rụi ( hiện tượng này do vi khuẩn xâm nhập gây bệnh từ các vết cắt  ở đầu lá mạ rồi truyền sang các dảnh  lúa non).

     - Triệu chứng vàng tái thường xuất hiện sau khi lúa trỗ. Lá già phía dưới xanh bình  thường, các lá non phía trên biến vàng hoặc có các sọc màu vàng xám nhạt. trường hợp này do vi khuẩn tập trung ở đỉnh thân và các đốt phía dưới lá bệnh, làm hạn chế sự vận chuyển chất dinh dưỡng lên phía trên làm các lá non trở nên vàng.

       2. Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây hại.

       3. Điều kiện để bệnh phát sinh, phát triển

       - Nhiễm khuẩn từ các tàn dư cây bệnh (rơm rạ) vụ trước, cỏ dại là nguồn ký chủ phụ của vi khuẩn trên đồng, qua các vết thương do xây xát và lan rộng ra.

      - Phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm, mưa gió nhiều, ruộng nước ngập, tù đọng.

      - Bón nhiều phân đạm (N), bón thúc muộn, thiếu P, K làm bệnh phát triển.

      4. Biện pháp phòng trừ

      - Bón phân cân đối và hợp lý.

      - Không để ruộng lúa ngập úng lâu, thay nước ruộng thường xuyên.

      - Khi bệnh phát triển ngưng bón phân đạm, bón kali, thay nước ruộng và phun thuốc đặc trị vi khuẩn.

     - Bệnh cháy bìa lá rất khó trị vì vi khuẩn nằm trong mạch nhựa của lá lúa. Hầu hết các thuốc trị vi khuẩn không trị hết hẳn bệnh cháy bìa lá lúa mà chỉ diệt vi khuẩn trên mặt lá và giúp ngăn sự lây lan của vi khuẩn sang lá lúa lân cận. Do đó cần phải phát hiện bệnh sớm và phun thuốc kịp thời sẽ hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra. Có thể lựa chọn sử dụng một trong các loại thuốc trừ bệnh sau đây để phun như:

         + Hoạt chất Quaternary Ammonium Salts: Physan 20SL.

         + Hoạt chất Bronopol : Totan 200WP, Xantoxin 40WP, TT-biomycin 40.5WP,…

         + Hoạt chất Oxolinic acid: Starner 20WP, G-start 200WP, Oka 20WP, …

         + Hoạt chất Kasugamycin: Kasumin 2SL, Karide 2SL, Fukmin 20SL, Katamin 3SL,.

         + Hoạt chất Copper Oxychloride + Kasugamycin: Kasuran 47WP, New Kasuran 16,6WP, Reward 775WP, …

         + Hoạt chất Gentamicin sulfate + Oxytetracycline Hydrochloride: Lobo 8WP, 

Avalon 8WP.

         + Hoạt chất Ningnanmycin: Ditacin 8SL, Bonny 4SL, Annongmycin 80SL, ...

         + Hoạt chất Oxytetracycline hydrochloride  + Streptomycin sulfate: Ychatot 900SP.  

     Lưu ý: Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn của nhà sản xuất, đồ bảo hộ lao động an toàn khi phun thuốc./.

 

                                                              Phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây